Trát tường & trần nhà: Thi công theo tiêu chuẩn
Thi công trát tường và trần nhà là công việc phủ kín các bề mặt thô như gạch xây, bê tông… bằng các lớp vật liệu kết dính đảm bảo yêu cầu cấu tạo và độ phẳng. Bài đăng này trích dẫn mục 4.2- Quy trình thi công trát tường và trần nhà theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9377-2:2012 Công tác hoàn thiện trong xây dựng – Thi công và nghiệm thu – Phần 2
Tiêu chuẩn thi công trát tường & trần nhà
4.2 Tiêu chuẩn trát
4.2.1 Nếu bề mặt nền trát khô, cần phun nước làm ẩm trước khi trát.
4.2.2 Trường hợp có yêu cầu về độ phẳng, các chi tiết, đường cong với độ chính xác và chất lượng cao, trước khi trát phải gắn lên bề mặt kết cấu các điểm mốc định vị hay trát làm mốc chuẩn tại một số vị trí.
4.2.3 Chiều dầy lớp vữa trát phụ thuộc vào yêu cầu thẩm mỹ, độ phẳng của nền trát, loại kết cấu, loại vữa sử dụng và phương pháp thi công trát.
4.2.4 Chiều dầy lớp trát trần nên trát dầy từ 10 mm đến 12 mm, nếu trát dầy hơn phải có biện pháp chống lở bằng cách trát trên lưới thép hoặc trát thành nhiều lớp mỏng.
4.2.5 Đối với trát tường, chiều dầy khi trát phẳng thông thường không nên vượt quá 12 mm, khi trát với yêu cầu chất lượng cao không quá 15 mm và khi trát với yêu cầu chất lượng trát đặc biệt cao không quá 20 mm.
4.2.6 Chiều dầy mỗi lớp trát không được vượt quá 8 mm. Khi trát dầy hơn 8 mm, phải trát thành hai hoặc nhiều lớp. Trong trường hợp sử dụng vữa vôi hoặc vữa tam hợp, chiều dầy mỗi lớp trát bắt buộc phải nằm trong khoảng từ 5 mm đến 8 mm.
Khi trát nhiều lớp, nên kẻ mặt trát thành các ô quả trám để tăng độ bám dính cho các lớp trát tiếp theo. Ô trám có cạnh khoảng 60 mm, vạch sâu từ 2 mm đến 3 mm. Khi lớp trát trước se mặt mới trát tiếp lớp sau. Nếu mặt lớp trát trước đã quá khô thì phải phun nước làm ẩm trước khi trát tiếp.
4.2.7 Ở những nơi thường xuyên ẩm ướt như khu vệ sinh, phòng tắm rửa, nhà bếp khi trát phải dùng vữa xi măng cát có mác lớn hơn hoặc bằng M7,5 hoặc vữa có khả năng chống thấm để tăng cường khả năng chống thấm và tăng độ bám dính giữa các lớp trát.
4.2.8 Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc khô hanh, sau khi trát 24 h nên tiến hành phun ẩm để bảo dưỡng và phòng tránh hiện tượng rạn nứt trên mặt trát.
4.2.9 Khi trát các lớp trát đặc biệt trên bề mặt kết cấu như trát sần; trát lộ sỏi, trát mài, trát rửa, trát băm (trát trang trí), chiều dầy lớp trát lót tạo phẳng mặt không được vượt quá 12 mm, chiều dầy của lớp trát hoàn thiện bề mặt không được nhỏ hơn 5 mm. Lớp trát mặt ngoài có 5 cách xử lý tạo bề mặt để tạo thành 5 loại trát trang trí khác nhau là:
– Trát sần (trát gai);
– Trát lộ sỏi;
– Trát đá mài (granitô);
– Trát đá rửa (granitê);
– Trát đá băm (granitin).
4.2.9.1 Vật liệu dùng để trát đá trang trí phải được cân đong theo khối lượng hoặc thể tích. Mác vữa và thành phần liều lượng pha trộn vật liệu phải tuân theo yêu cầu của thiết kế.
4.2.9.2 Khi thiết kế không quy định mác vữa hoặc thành phần liều lượng pha trộn vật liệu, có thể căn cứ vào thành phần liều lượng pha trộn theo Bảng 2 và Bảng 3.
Tên lớp trát
Tỷ lệ pha trộn theo khối lượng
Lớp trát lót
(Xi măng/Cát) = (1/0.3)
Lớp trát mặt ngoài sàn
(Xi măng + Bột đá + Bột mầu)/(Đá hạt) = 1/(1.1 đến 1.2)
Tường
(Xi măng + Bột đá + Bột mầu)/(Đá hạt) = 1/(1.1 đến 1.5)
Gờ chỉ, lan can
(Xi măng + Bột đá + Bột mầu)/(Đá hạt) = 1/1
Chú thích: Xi măng là xi măng poóc lăng PC20 đến PC30
Tên hỗn hợp
Tỷ lệ pha trộn theo khối lượng
1. Hỗn hợp xi măng và bột đá
(Xi măng/Bột đá) = (1/0.3) đến (1/0.6)
2. Bột mầu pha trộn với hỗn hợp xi măng và bột đá
a) Đối với bột mầu có chất lượng cao
(Xi măng + Bột đá)/(Bột mầu) = (1/0.3) đến < hoặc = (1/0.06)
b) Đối với bột mầu có chất lượng thấp
(Xi măng + Bột đá)/(Bột mầu) < hoặc = (1/0.2)
Chú thích: Xi măng là xi măng poóc lăng PC20 đến PC30
4.2.9.3 Xi măng, bột đá, bột mầu sau khi cân đúng tỉ lệ trên, được trộn đều với nhau và cho lọt qua sàng có mắt sàng 1 mm để dùng ngay hoặc đóng vào bao để dùng trong vài ngày.
4.2.9.4 Lượng vật liệu chuẩn bị cho thi công, lượng vữa trộn phải tính toán sao cho vừa đủ để thi công gọn một khối lượng, đảm bảo mầu sắc đồng đều, hài hòa phù hợp với khối lượng của bộ phận công trình và số lượng công nhân thi công.
4.2.9.5 Trộn vữa trát mặt ngoài bằng thủ công:
– Cân đá và hỗn hợp xi măng, bột đá và bột mầu cho từng mẻ trộn;
– Đổ đá hạt lên sàn trộn, dùng xẻng và cao quay vòng dàn mỏng đá; sau đó đổ hỗn hợp xi măng, bột đá và bột màu lên trên, trộn khô đều;
– Dùng bình hương sen tưới nước từ từ lên hỗn hợp vữa, vừa tưới vừa đảo đều. Dùng xẻng xúc trộn lật úp vữa liên tục gọn vào giữa, tránh đá và nước xi măng chảy ra ngoài. Trộn và đảo từ 6 đến 6 lần là đạt yêu cầu.
4.2.9.6 Vữa trộn xong có độ lưu động từ 0 cm đến 3 cm. Kinh nghiệm thử đơn giản trong thi công hiện trường có thể làm như sau: Vữa đã trộn xong, nắm vào lòng bàn tay (không quá lỏng cũng không quá chặt), khi xòe bàn tay ra mà vữa vẫn không rời rạc, không sụt chảy là đạt yêu cầu.
Ngoài các điểm trên, cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chính sau:
4.2.9.7 Trát sần (trát gai):
Khi tạo mặt trát nhám có thể dùng bơm phun hoặc thiết bị chuyên dùng để phun vữa bám vào bề mặt trát hoặc dùng chổi vẩy nhiều lần, khi lớp đầu se khô mới vẩy tiếp lớp sau. Vữa vẩy phải bám và phủ đều trên mặt trát.
4.2.9.8 Trát lộ sỏi:
Mặt trát lộ sỏi được trát bằng vữa xi măng cát có lẫn sỏi hay đá có cỡ hạt khoảng từ 5 mm đến 10 mm. Chiều dầy trát không vượt quá 20 mm, khi trát phải xoa và vỗ nhiều lần để mặt trát được chắc đặc. Khi vữa đóng rắn sau lúc trát khoảng từ 4 h đến 5 h (phụ thuộc vào thời tiết và độ ẩm không khí) thì tiến hành đánh sạch lớp vữa ngoài để lộ sỏi, đá.
4.2.9.9 Trát mài:
Trước hết phải làm lớp trát lót tạo phẳng mặt trát bằng vữa xi măng cát vàng mác lớn hơn hoặc bằng M7,5. Chiều dầy lớp lót từ 10 mm đến 15 mm. Vạch ô trám bằng mũi bay lên lớp lót này và chờ cho khô. Tiếp theo tiến hành trát lớp trát hoàn thiện trên lớp trát lót. Thành phần vật liệu của lớp trát hoàn thiện gồm hỗn hợp xi măng trắng, bột đá mịn, bột mầu và đá hạt có kích cỡ từ 5 mm đến 8 mm.
Quy trình thao tác trát mài được tiến hành như sau:
– Bước 1: Thi công trát
Trộn bột đá với xi măng trắng rồi trộn tiếp với bột mầu. Khi đã lựa chọn xong màu của bột hỗn hợp này cho đá hạt vào trộn đều theo quy định của thiết kế. Nếu không có chỉ định cụ thể có thể trộn với tỷ lệ 1:1:2 (xi măng : bột đá : đá). Cho nước vào và trộn đến khi thu được vữa dẻo. Trát vữa lên bề mặt lớp trát lót sau đó dùng bàn xoa xát mạnh lên mặt trát và làm cho phẳng mặt. Tiếp tục vỗ nhẹ lên lớp vữa trát cho lớp trát được chắc đặc.
– Bước 2: Mài bề mặt trát
Sau khi lớp trát đã đóng rắn ít nhất 24 h, có thể mài bề mặt trát bằng phương pháp mài thủ công hoặc mài bằng máy sau 72 h. Đầu tiên dùng đá mài thô để mài cho lộ đá và phẳng mặt, sau đó dùng các loại đá mài khác để mài mịn bề mặt. Khi mài phải đổ nhẹ nước cho trôi lớp bột đá xi măng. Trong quá trình mài, bề mặt trát có thể bị sứt, lõm do bong hạt đá. Để sửa chữa, lấy hỗn hợp xi măng, bột đá và bột mầu xoa lên mặt vừa mài cho hết lõm. Chờ 3 ngày đến 4 ngày sau mài lại bằng đá mịn.
4.2.9.10 Trát rửa:
Các công việc chuẩn bị và thi công mặt trát cũng tiến hành như trát mài bao gồm trát lớp lót, chế tạo vữa trát và thi công trát. Khi vữa trát đã đóng rắn sau khoảng 2 h đến 3 h thì tiến hành rửa bằng nước sạch. Đổ nhẹ nước lên bề mặt trát và dùng chổi mịn để cọ đến khi lộ đều đá và không có vết bẩn. Sau khi rửa, mặt trát phải được bảo quản cẩn thận, tránh bị va đập và làm bẩn.
4.2.9.11 Trát băm:
Trình tự công việc và chế tạo hỗn hợp vữa cũng được tiến hành như trát mài, trát rửa. Sau khi hoàn thành mặt trát khoảng từ 6 ngày đến 7 ngày, tiến hành băm. Trước khi băm cần kẻ các đường viền, gờ, mạch trang trí theo thiết kế và băm trên bề mặt giới hạn bởi các đường kẻ đó.
Dụng cụ để băm là búa đầu nhọn hoặc các dụng cụ chuyên dụng, chiều băm phải vuông góc với mặt trát và thật đều tay để lộ các hạt đá và đồng nhất mầu sắc.
4.2.10 Độ sai lệch cho phép của bề mặt trát không được vượt quá các quy định ghi trong Bảng 4.
Hy vọng bài đăng “Trát tường & trần nhà: Thi công theo tiêu chuẩn” đã mang đến cho quý vị những tham khảo bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí.