Làm móng nhà loại nào tối ưu nhất
Người xưa có câu: “Làm nhà từ móng”. Ngôi nhà có móng chắc thì mới bền vững và hơn hết là đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên, không phải mọi công trình đều có phương pháp làm móng nhà giống nhau, mà còn căn cứ dựa trên một số tiêu chí nhất định. Hãy cùng Nhà Huế tìm hiểu cụ thể về vấn đề này qua nội dung sau đây!
Có những loại móng nhà nào?
Móng là kết cấu xây dựng nằm ở dưới cùng của ngôi nhà, đảm nhiệm chức năng tải trọng cho toàn bộ công trình. Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của khu đất và độ cao, tải trọng của ngôi nhà mà móng có hình dạng, kích thước khác nhau. Trong đó, có 4 loại móng phổ biến trong công trình dân dụng là móng đơn, móng băng, móng bè, và móng cọc.
Móng đơn
Móng đơn là loại móng đỡ một cột hoặc một chùm cột đứng sát nhau, thường được thiết kế nằm riêng lẻ hoặc thành cụm, bố trí dưới chân cột nhà. Móng đơn có kết cấu đơn giản, đáy hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn. Tùy vào mỗi công trình mà móng đơn có sự chênh lệch về kích thước và hình dạng khác nhau.
Móng băng
Móng băng là loại móng được thiết kế thành dạng dải dài, chạy theo chân tường, có thể nằm độc lập hoặc giao cắt với nhau theo dạng chữ thập. Móng băng được xếp vào nhóm móng nông – là loại móng xây trên các hố đào trần, sau đó lấp đất lại.
Móng bè
Móng bè là loại móng được thiết kế trải rộng dưới toàn bộ công trình để giảm áp lực của công trình lên nền đất. Tương tự như móng băng, móng bè cũng được xếp vào nhóm móng nông – là tấm bê tông cốt thép dày đặc “nổi” trên mặt đất như một chiếc bè và truyền tải trọng từ kết cấu xuống đất.
Bản vẽ 3D mô tả cấu tạo của móng bè
Móng cọc
Móng cọc là loại móng sâu, dùng để truyền tải trọng của công trình xuống sâu dưới lớp đất. Móng cọc được thiết kế với hình trụ dài, thường làm từ vật liệu bê tông cốt thép. Ngoài ra, người ta còn dùng những cây cọc bằng gỗ, tre… để gia cố nền đất dưới móng công trình.
So sánh các loại móng làm nhà
Mỗi loại móng nhà có những đặc điểm, cấu trúc đặc thù riêng. Tương ứng, chúng cũng có những ưu – nhược điểm và cách ứng dụng khác nhau trong xây dựng công trình. Cùng xem xét các tiêu chí so sánh dưới đây:
Tiêu chuẩn vật liệu
Hạng mục |
Móng đơn | Móng băng | Móng bè | Móng cọc |
Tiêu chuẩn vật liệu |
– Bê tông lót móng có độ dày 10cm. – Thép có chất lượng tốt, đúng bản vẽ kỹ thuật |
– Bê tông lót móng có độ dày 10cm. – Thép bản móng: Φ12a150. – Thép dầm móng: thép dọc 6Φ(18-22) |
– Bê tông lót móng có độ dày 10cm. – Thép bản móng: Φ12a200. – Thép dầm móng: 6Φ(20-22), thép đai Φ8a150 |
– Cọc bê tông cốt thép: là cọc rỗng, có tiết diện vành khuyên đúc ly tâm. Hoặc cọc đặc với tiết diện là đa giác đều hoặc là vuông. – Cọc thép: thép ống hoặc thép hình cán nóng. – Cọc gỗ (chỉ phù hợp công trình nhỏ): cừ tràm, bạch đàn… |
Ưu và nhược điểm
Loại móng |
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Móng đơn |
– Cấu tạo đơn giản, dễ dàng thi công – Tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng. – Phù hợp cho công trình thấp tầng, quy mô nhỏ. |
– Không thi công được trên nền đất yếu. – Không phù hợp với các công trình có tải trọng lớn. |
Móng băng |
– Đảm bảo phân bổ tải trọng đều cho toàn bộ công trình. – Có thể thay thế móng đơn trong điều kiện địa chất công trình không ổn định. – Có tác dụng chắn đất, tạo tường hầm, do đó phù hợp với công trình có tầng hầm. – Độ lún đồng đều, tránh được hiện tượng nghiêng lệch. – Thi công đơn giản, không tốn nhiều thời gian. |
– Độ ổn định về lật, trượt của móng kém. – Sức chịu tải không cao, chỉ phù hợp công trình quy mô nhỏ. – Trường hợp đất bùn yếu, mực nước mặt nằm sâu thì phương án thi công sẽ phức tạp và gia tăng chi phí. |
Móng bè |
– Khi áp dụng với công trình phù hợp, móng bè cho thời gian thi công nhanh, chi phí thiết kế và xây dựng rẻ. – Là lựa chọn tốt cho các công trình thấp tầng, đặc điểm địa chất ổn định. |
– Dễ bị lún khi chịu tác động của sự thoát nước ngầm, động đất, lũ lụt… – Có thể gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình lân cận. – Chỉ phù hợp một số nền đất nhất định, khu vực có mật độ xây dựng thấp. – Chiều sâu chôn móng nông nên sức chịu tải không cao. |
Móng cọc |
– Là loại móng sâu, chịu lực tốt, phù hợp với nhà cao tầng. – Có thể thi công trên nền đất yếu. – Thời gian thi công nhanh. – Độ tin cậy và tuổi thọ công trình cao. |
– Chi phí thi công ép cọc cao (phụ thuộc vào độ sâu của cọc và số lượng tim cọc) – Phương pháp thi công phức tạp. – Có thể gây ảnh hưởng đến công trình bên cạnh. – Khó kiểm tra sau thi công. |
Loại nhà và nền đất phù hợp
- Móng đơn
– Khả năng chịu lực không cao, phù hợp với công trình có trọng tải thấp, quy mô nhỏ như nhà gác lửng cấp 4, nhà vườn cấp 4, nhà ống cấp 4, nhà 1 tầng, nhà 2 tầng hiện đại…
– Nền đất có sức chịu tải tốt. Nếu nền đất yếu phải xử lý nền bằng cát đệm, cọc tre, cừ tràm.
- Móng băng
– Khả năng chịu tải không cao, phù hợp với các công trình vừa và nhỏ như biệt thự nhà vườn 1 – 2 tầng, biệt thự nhà ống…
– Có thể sử dụng móng băng trên nền đất xấu. Nếu lớp đất yếu có chiều dày lớn (1.5 – 3m) nên dùng móng băng có cọc.
- Móng bè
– Móng bè phù hợp với công trình có tải trọng nhỏ và thấp tầng, đặc biệt là các công trình có tầng hầm, nhà để xe, bể nước, kho chứa đồ…
– Chỉ thích hợp với nền đất tốt, ở các nơi có các lớp địa tầng có chiều dày lớn, ổn định.
- Móng cọc
– Móng cọc có độ chịu tải tốt, do đó phù hợp các công trình có trọng tải lớn như tòa nhà cao tầng, biệt thự đồ sộ…
– Có thể thi công trên tất cả các loại nền đất.
Độ phức tạp khi thi công
– Móng đơn có kết cấu khá đơn giản, phương pháp thi công ít phức tạp, thời gian thi công ngắn.
– Móng băng: biện pháp thi công khá đơn giản, không tốn kém quá nhiều thời gian. Tuy nhiên với nền đất xấu thì kỹ thuật thi công đòi hỏi sự phức tạp cao hơn.
– Móng bè: thời gian thi công móng bè nhanh, kỹ thuật đơn giản hơn so với móng băng.
– Móng cọc: phương pháp thi công phức tạp, đòi hỏi các thiết bị, máy móc chuyên dụng.
Chi phí
Cách tính chi phí làm móng nhà
Để tính toán chi phí làm móng nhà, bạn cần xác định diện tích móng nhà và đơn giá thi công. Cụ thể:
- Diện tích làm móng nhà: được tính dựa vào diện tích xây dựng tầng 1 như sau:
– Diện tích xây dựng móng nhà sẽ dao động từ 50 – 70% diện tích xây dựng sàn tầng 1.
– Đối với công trình có tầng hầm thì diện tích móng sẽ tính bằng 200% diện tích xây dựng tầng 1.
Lưu ý: diện tích xây dựng nền móng thường sẽ bị ảnh hưởng bởi tính chất nền đất và thiết kế của công trình.
- Đơn giá xây dựng theo đơn vị thi công
– Gồm vật tư và nhân công để hoàn thiện phần móng.
– Đơn giá xây dựng phần thô chịu tác động bởi vị trí thi công, vùng miền, thiết kế của công trình… thường giao động trong khoảng từ 3-5 triệu đồng/m2.
* Cách tính chi phí của một số loại móng phổ biến nhất hiện nay:
– Chi phí làm móng đơn chiếm khoảng 30- 50% diện tích xây dựng tầng 1, thông thường sẽ được tính bao gồm trong đơn giá xây dựng.
– Chi phí làm móng băng 1 phương = 50% x diện tích xây dựng tầng 1 x đơn giá xây dựng phần thô.
– Chi phí làm móng băng 2 phương = 70% x diện tích xây dựng tầng 1 x đơn giá xây dựng phần thô.
– Chi phí làm móng cọc = (đơn giá x số lượng cọc x chiều dài cọc) + (chi phí nhân công ép cọc: 15-20.000.000VNĐ) + (hệ số đài móng: 0.2 x diện tích xây dựng tầng 1 x đơn giá xây dựng phần thô)
Lưu ý: tùy vào thời điểm và khu vực vùng miền mà giá thành sẽ có sự chênh lệch.
Để hiểu rõ hơn chi phí làm móng nhà, bạn đọc có thể tham khảo các ví dụ dưới đây. Đơn giá xây dựng phần thô trong ví dụ là 3 triệu/m2, áp dụng trên nền đất có diện tích 5 x 20m.
Ví dụ 1: Móng băng một phương: 5 x 20 x 50% x 3.000.000 = 150.000.000 VNĐ
Ví dụ 2: Móng băng hai phương: 5 x 20 x 70% x 3.000.000 = 210.000.000 VNĐ
Ví dụ 3: Móng cọc ép tải với số lượng 15 tim, chiều dài cọc 9: (250.000 x 15 x 2 x 9) + 20.000.000 + (0.2 x 5 x 20) x 3.000.000 = 147.500.000 VNĐ
So sánh chi phí làm móng nhà
Qua công thức tính chi phí làm móng bên trên, có thể thấy giá thành móng nhà không chỉ phụ thuộc vào từng loại móng mà còn phải dựa trên các thông số kỹ thuật, giá thành thi công… Do đó, gia chủ cần căn cứ vào điều kiện thực tế của công trình để có phương án tối ưu về chi phí nhất.
Những lưu ý quan trọng khi làm móng nhà
Khảo sát địa chất
Vì việc lựa chọn loại móng cần dựa trên tình trạng nền đất, nên khảo sát địa chất trước khi thi công là bước quan trọng. Nếu không có kinh nghiệm, gia chủ nên nhờ sự tư vấn của đơn vị thi công. Hoặc có thể tìm hiểu thông tin bằng cách tham khảo những chủ nhà lân cận.
Đất tốt thường khô ráo, có tính ổn định cao, khả năng thấm hút tốt. Đất yếu thường là đất ruộng, đất ven sông, đất cát pha, đất cát mịn… khi thi công trên nền đất này cần gia cố chắc chắn để công trình không bị sụt lún hoặc nghiêng, lệch.
Ngoài ra, khi làm móng nhà cần tránh những nơi có mức nước quá cao, nếu có mạch nước ngầm thì phải thấp hơn vị trí đổ móng khoảng 0.5m để hạn chế tình trạng ẩm thấp, nghiêng lún và ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt tích tụ.
Tải trọng và quy mô của công trình
Số tầng càng nhiều thì tải trọng càng lớn. Tải trọng công trình truyền xuống móng sẽ bao gồm các tác động đến từ: trọng lượng công trình, đồ nội thất, tải trọng của con người…
Nhà có kết cấu bằng bê tông cốt thép sẽ có tải trọng lớn hơn nhà xây bằng gạch hoặc nhà lắp ghép. Nếu nhà có kết cấu phức tạp, bạn nên tham khảo kiến trúc sư để có giải pháp làm móng nhà phù hợp.
Kết cấu móng nhà của các công trình lân cận
Trong quá trình thi công móng nhà có thể dựa vào các công trình lân cận để đưa ra phương án làm móng thích hợp. Nếu nền đất ở cùng một khu vực có đặc điểm giống nhau, thì kiểu dáng và kết cấu móng cũng không có nhiều sự khác biệt nên bạn hoàn toàn có thể tham khảo giải pháp thi công của những công trình đã xây dựng trước đó. Đồng thời, việc khảo sát hiện trạng móng nhà của các công trình lân cận sẽ giúp tính toán được chính xác các bước thi công, tránh tình trạng gây sụt lún hoặc đổ vỡ công trình lân cận.
Một số lưu ý khác
- Vật tư xây dựng:
– Đảm bảo chọn vật tư đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật. Không nên chọn các loại vật liệu giá rẻ mà làm ảnh hưởng đến độ bền và an toàn của cả công trình.
– Các vật liệu đổ móng cần thiết: cát, xi măng, đá, nước, thép, cốt pha. Với công trình nhà cấp 4, gia chủ có thể tự trộn bê tông truyền thống để đổ móng.
- Để chừa các lỗ kỹ thuật
– Để chừa các lỗ kỹ thuật để đặt đường ống cấp thoát nước. Trong trường hợp đường ống cấp thoát nước nằm dưới móng thì cần lấp bằng sỏi hoặc đá dậm. Không được đổ móng trực tiếp lên đường ống vì có thể gây vỡ ống dẫn nước.
- Điều kiện thời tiết
– Trời mưa to sẽ gây ảnh hưởng chất lượng móng, do đó không đổ móng trong điều kiện thời tiết này.
– Nếu đang đổ móng mà gặp mưa to thì phải dùng bạt che chắn cẩn thận.
- Bảo dưỡng
– Bảo dưỡng bằng cách phun tưới nước bê tông móng đều đặn trong 1 tuần sau khi đổ bê tông.
– Chỉ được tháo cốp pha móng khi cấu kiện bê tông đã đạt đủ sức bền và kết cấu ổn định (thông thường sau 3 – 4 tuần).
Nhìn chung, cả 4 loại móng đơn, móng băng, móng bè và móng cọc đều sẽ là lựa chọn tối ưu khi được thi công đúng kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm nền đất, tải trọng ngôi nhà. Mặt khác, gia chủ cũng có thể lựa chọn phương án làm móng nhà kết hợp thay vì chỉ áp dụng một loại móng duy nhất để đem đến hiệu quả bền vững hơn cho công trình.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn một đơn vị thiết kế và thi công có kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Vì chỉ cần một tính toán sai lệch có thể ảnh hưởng đến kết cấu của toàn bộ căn nhà. Nếu bạn đang có ý định xây nhà, và cần tư vấn cụ thể về vấn đề này, đừng ngần ngại liên hệ Nhà Huế để được hỗ trợ.
Vui lòng để lại thông tin bên dưới bài viết hoặc gọi vào số hotline :0935 004 225 Chúc các bạn sẽ sở hữu một công trình mỹ mãn như ý!